Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2008
Nghi lễ cưới của người Chăm Balamon
http://www.vanhoanghethuat.org.vn/2003.06/phquocanh.htm
NGHI LỄ CƯỚI TRUYỀN THỐNG
CỦA NGƯỜI CHĂM BÀLAMÔN
PHAN QUỐC ANH*
Văn hoá truyền thống của Người Chăm Bàlamôn chiếm một vị trí quan trọng trong bức tranh văn hoá người Chăm ở Việt Nam. Người Chăm Bàlamôn hiện có 90. 605người/ 137.133 người Chăm ở Việt Nam, cư trú tập trung ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, trong đó, chủ yếu là ở Ninh Thuận (61.359 người). So với người Chăm theo các tôn giáo khác, người Chăm Bàlamôn là nơi tích tụ các yếu tố văn hoá truyền thống Chăm, bởi tôn giáo Bàlamôn đã đồng hành cùng với người Chăm từ trước sau Công nguyên, là một trong những tôn giáo cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay. Nghi lễ cưới xin chiếm một vị trí quan trọng trong các nghi lễ vòng đời của người Chăm, là môi trường bảo lưu sắc thái văn hoá Chăm.
1. Những quy định và lễ thức trước ngày cưới
Mặc dù bị chi phối bởi tôn giáo, nghi lễ cưới xin của người Chăm Bàlamôn ở Ninh Thuận và Bình Thuận thể hiện khá đậm nét những đặc điểm của văn hoá truyền thống dân tộc. Người Chăm theo huyết thống dòng họ mẹ nên không được kết hôn giữa những người cùng thờ chung một kút theo dòng họ mẹ (cùng thờ chung một chiêt atâu(1)). Cho đến nay, hôn nhân của người Chăm vẫn bị chi phối bởi chế độ mẫu hệ, vẫn duy trì chế độ hôn nhân đồng tôn giáo và hôn nhân đồng dân tộc.
Cũng như các dân tộc khác, nghi lễ cưới xin của người Chăm phải tuân thủ những trình tự các nghi thức mai mối, lễ dạm, lễ hỏi, lễ cưới. Chúng tôi xin trình bày dưới đây tư liệu khảo sát từ một lễ cưới Chăm Bàlamôn diễn ra tại thôn Như Bình, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Cô dâu là cô Sử Thị Kim Vui Tươi, 29 tuổi, giáo viên cấp II trường làng, là con gái của ông Đàng Bao, một vị chức sắc pà xế Bàlamôn. Chú rể là anh Đổng Văn Nhường, sinh viên tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ Thành phố Hồ Chí Minh, 30 tuổi, hiện đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ lễ cưới là ông Đổng Khoan. Người phụ giúp lo cúng bái cho ông chủ lễ là ông Quảng Văn Đại.
1.1. Lễ thức mai, mối, dạm hỏi (Paluak panôih)(2)
Người Chăm duy trì chế độ mẫu hệ, quyền chủ động trong hôn nhân thuộc về nhà gái. Khi con gái sắp đến tuổi lấy chồng, cha mẹ đã phải lo ‘nhắm” trước những chàng trai trong vùng để “lựa rể” cho con mình. Người con gái Chăm xưa nay đa phần tuyệt đối phục tùng cha mẹ. Con gái lấy ai làm chồng là do cha mẹ chọn. Con trai Chăm cũng phải phục tùng ý của cha mẹ. Nếu được nhà gái “chọn” và cha mẹ ưng ý, người con trai phải chấp hành mặc dù trong lòng không muốn.
Tâm lý cha mẹ đằng gái bao giờ cũng muốn giữ “tiếng” cho con gái mình nên khi thấy chàng trai nào hay “thập thò” trước cửa, cha mẹ cô gái sẽ phải thăm dò ý tứ chàng trai. Nếu cảm thấy “không ổn”, cha mẹ cô gái phải tìm cách, lựa lời khuyên chàng trai đừng đến nữa. Nếu tâm đầu ý hợp, người con gái thưa với cha mẹ. Tất nhiên, lúc này quyền quyết định là của cha mẹ. Nếu cha mẹ cũng thấy “được”, lúc này mới cậy đến người mai mối.
Người mai mối (jang klăn), ông mai (on nhuh), bà mối (muk nhuh) phải là người cao tuổi, có uy tín, giỏi giang trong làm ăn, ăn nói hoạt bát, tính tình vui vẻ, có tài thuyết phục người khác, phải là người “một kèo, một cột” (một vợ một chồng) và đông con cái. Ông mai, bà mối có thể là người trong họ hoặc trong làng. Sau khi bàn bạc thống nhất, người mai mối đến nói chuyện với nhà trai. Để tỏ được ý muốn của nhà trai, ông mai, bà mối phải có tài ăn nói, biểu hiện một cách bóng gió về ý đồ của nhà gái. Đây là một đặc điểm của chế độ mẫu hệ, vì nhà gái luôn phải giữ kín những chuyện trước hôn nhân, khi mai mối phải thận trọng trong việc thăm dò ý tứ nhà trai. Vấn đề mai mối lúc đầu là rất quan trọng và phải hết sức “bí mật” vì giữ tiếng cho cả hai bên nhà trai và nhà gái. Lần đầu tiên đến nhà trai ông mai phải chọn ngày giờ tốt và thường là đi vào ban đêm một cách âm thầm kín đáo. Ông đến nhà trai, trước là thăm chơi, sau là để thăm dò ý tứ cha mẹ nhà trai. Nếu chưa thuận, ông phải đi lại nhiều lần vừa ngỏ ý, vừa thuyết phục cha mẹ nhà trai. Nếu nhà trai đồng ý, ông mai đi lại bàn bạc với hai gia đình để ấn định ngày giờ làm lễ hỏi.
Cũng như các dân tộc khác, qua những biểu hiện trên, có thể thấy lễ dạm hỏi của người Chăm Bàlamôn thể hiện tính văn hoá cao, tính nhân văn sâu sắc và có những nét độc đáo riêng của chế độ mẫu hệ.
1.2. Lễ hỏi (Nao pôih)
Sau khi được ông mai cho biết ý kiến nhà trai đã đồng ý, nhà gái đến xin ý kiến vị cả sư pô xà (Ppo Dhia) để xem ngày giờ đi làm lễ hỏi. Ông mai thoả thuận với nhà trai ngày giờ trên. Nhà gái chuẩn bị lễ vật gồm có: Trầu, cau, rượu, bánh tét (paynung), bánh sakaya, trái cây. Đi trong lễ hỏi có đại diện nhà gái khoảng 5 người cùng với ông mai, bà mối.
Lúc ấy, bên nhà trai cũng đang chuẩn bị để đón nhận lễ vật. Chiếu được trải dài trong nhà, các khay trầu cau và các bộ ấm chén uống nước trà được bày thành hàng dài để đón khách. Đại diện nhà trai ngồi thành hàng theo hướng đông - tây. Người trưởng họ ngồi phía đầu, tiếp theo là các vai lớn nhỏ xếp ngồi theo thứ tự. Nhà gái mang lễ vật đến ngồi đối diện cũng theo thứ tự vai vế. Ông mai, với trách nhiệm của mình, bắt đầu vào câu chuyện chào hỏi. Đại diện chủ nhà gái đặt vấn đề với nhà trai về việc hôn nhân, nhà trai trả lời quyết định đồng ý hay không đồng ý.
Lúc đó, ở trong nhà, mọi người sắp xếp lễ vật do nhà gái đưa đến để cúng ông bà tổ tiên. Lễ cúng do bà bóng của dòng họ (Muk Rija) làm chủ lễ. Những thần linh được mời gồm có: Thần tổ tiên, thần làng, thần xóm, thần thổ địa. Sau đó con cháu dọn bánh trái, rót rượu mời nhà gái. Mọi người ăn uống, nói chuyện vui vẻ mừng cho đôi bạn trẻ.
Trước khi ra về, đại diện nhà gái mời đại diện nhà trai đến “làm khách” nhà gái. Nhà gái sẽ tổ chức một bữa tiệc mặn để đón đại diện nhà trai. Bữa tiệc ấy chính là lần nhà trai dứt lời với nhà gái. Người Chăm gọi là “paklanh panyơc gah likei”, có nghĩa là lễ “dứt lời” hay “quyết định làm lễ cưới”.
Tiếp đó hai gia đình mang lễ vật đến gặp ông thầy để báo cáo và xin ngày giờ làm lễ cưới. Thường thì đám cưới sau đám hỏi chỉ khoảng 3 đến 4 tháng. Ít có trường hợp làm lễ cưới ngay, vì cũng như người Việt, nhà gái sợ bị dị nghị, không để quá lâu, có thể vận đến ca dao người Việt:
“Cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha”
Nhìn chung, lễ hỏi của người Chăm cũng giống như lễ hỏi của các dân tộc khác. Chỉ khác là nhà gái đi hỏi chồng cho nhà trai và không có chuyện thách cưới, và có thêm lễ “dứt lời”của nhà gái mời nhà trai để đi đến quyết định cuối cùng.
1.3. Lễ “dứt lời”, còn gọi là quyết định hôn lễ (Pa klauh panyơc gah kămư)
Trước lễ cưới hai ngày, bên nhà trai phải đến nhà gái làm lễ “dứt lời”. Mỗi bên gia đình tham gia lễ “dứt lời” có 5 người. Bên nhà trai gồm có ông chủ hôn, ông trưởng tộc, cha hoặc mẹ và hai người trong họ. Thành phần bên nhà gái gồm: ông chủ hôn, ông mai, trưởng tộc, cha hoặc mẹ và một người trong họ. Nghi thức này rất quan trọng, cuộc hôn nhân có thành hay không tuỳ thuộc rất nhiều vào lời ăn tiếng nói của cả hai bên. Chẳng may làm phật lòng nhau, cuộc hôn nhân có thể tan vỡ. Trong lễ này, nhà gái yêu cầu nhà trai cho biết giờ đón rể vì giờ đón rể là giờ quan trọng nhất, quyết định số lượng đoàn đưa rể, số lượng khách, số lượng mâm sẽ làm trong lễ mặn, số lượng bánh trái trong 3 ngày lễ cưới để nhà gái lo liệu. Mọi vấn đề về vật chất, thời gian, nội dung, hình thức lễ cưới được hai bên bàn bạc cụ thể. Bàn bạc xong, ông trưởng tộc rót rượu, bày mâm lễ vật với 5 miếng trầu, 5 miếng cau khấn mời thần tổ tiên, thần làng, thần thổ địa phù hộ cho hai họ và cô dâu chú rể hạnh phúc, làm ăn phát tài, con đàn cháu đống. Trong lễ cưới, mâm lễ vật thường dùng con số 5 (5 miếng trầu, 5 miếng cau, 5 ngọn nến).
Sau lễ thức này, nhà trai ra về để chuẩn bị các bước cho lễ cưới như đã thống nhất. Từ xưa đến nay, người Chăm Bàlamôn không có tục thách cưới như người Chăm Bàni hay một số dân tộc khác. Trước ngày cưới, bên nhà gái thịt một con heo để làm đồ ăn trong lễ cưới, chỉ cắt đầu heo cử người nhà đưa sang cho nhà trai.
1.4. Những quy định và công việc chuẩn bị cho lễ cưới
- Quy định về thời gian
Người Chăm quan niệm rằng trong một năm, có những ngày lành tháng tốt để tổ chức những nghi lễ như lễ cưới, lễ động thổ xây cất nhà cửa. Trong xã hội người Chăm Bàlamôn ở Ninh Thuận hôm nay, ngày tháng, giờ khắc vẫn luôn được coi trọng, mỗi khi làm việc gì trọng đại đều phải mời thầy coi ngày, coi giờ. Ngày tốt người Chăm gọi là haray sam, giờ tốt gọi là tuk noah. Qua tìm hiểu tư liệu Chăm cổ và phỏng vấn các chức sắc tôn giáo, các thầy cúng, quan niệm về ngày, tháng, giờ khắc tốt xấu trong quan niệm người Chăm như sau:
Các tháng của lịch Chăm đều được coi ứng với những điều may mắn hoặc tai họa:
- Tha, binhưk than uơn : Tháng Giêng, thuận về tương tư.
- Dua, binhưk danuh khac : Tháng Hai: tội lỗi.
- Klâu, binhưk padai : Tháng Ba: Nhiều lúa gạo.
- Pak, binhưk mưtai : Tháng Tư: Chết chóc
- Limư, binhưk mưthao : Tháng Năm: Hay gây hấn.
- Nam, binhưk pagun drap : Tháng Sáu: Được danh lợi, tài sản.
- Tajuh, binhưk than kik : Tháng Bảy: Hay đau ốm
- Dalipan, binhưk danuh khac: Tháng Tám : Tội lỗi.
- Thalipan, binhưk mưtha : Tháng Chín: Hay gây hấn.
- Pluh, binhưk than drap biak : Tháng Mười: Phát tài lớn.
- Puis, binhưk rat dabrat dhik: Tháng Mười một: Hưng thịnh.
- Mak, binhưk apui bâng : Tháng Chạp: Lửa phát cháy.
Lễ cưới của người Chăm phải chọn đúng vào các tháng 3,6,10,11 lịch Chăm và phải nhằm vào những ngày hạ tuần trăng (từ đêm trăng tròn đến khi hết trăng, theo cách tính lịch Chăm, thượng tuần trăng là dương nên trên ký tự chữ số Chăm chỉ có một dấu “sắc”, hạ tuần trăng là “âm” nên trên ký tự chữ số Chăm ngoài dấu “sắc” còn có thêm một dấu chấm bên dưới dấu sắc”). Người Chăm rất kỵ tháng tư, người Chăm gọi là “Plàn pá”. Đây là tháng “chết chóc”, vào tháng này ai cũng sợ ma về làm hại. Người Chăm hay rủa: “Đồ ma tháng tư!”. Về thời tiết, đây là tháng nắng nóng và khô hạn nhất, dễ sinh dịch bệnh, rất nhiều ruồi muỗi. Nên tháng tư người Chăm không làm một lễ gì cả.
Các tháng để làm lễ cưới được quan niệm như sau: theo lịch Chăm, tháng 3 là thời điểm bắt đầu công việc cày bừa, gieo mạ. Tháng 6 là tháng tài sản vào, cũng là mùa thu hoạch và gieo vụ lúa thứ hai. Tháng 10 là tháng phát tài, là tháng thu hoạch vụ lúa chính. Tháng 11 là tháng nông nhàn, vụ mùa đã thu hoạch xong.
Tuy vậy, tháng 3 là tháng xuân nên đa số lễ cưới được tổ chức vào tháng này nên cũng có thể gọi tháng 3 Chăm lịch là mùa cưới của người Chăm Bàlamôn. Riêng người Chăm Bàlamôn ở Phan Rí, Bình Thuận chỉ cưới vợ, cưới chồng vào tháng 3, tháng 6, tháng 10 mà thôi. Có hiện tượng này là vì vấn đề lịch Chăm cho đến nay vẫn chưa thống nhất giữa các vùng, ngay nội bộ các vùng Chăm Ninh Thuận, giữa các tôn giáo và trong một tôn giáo vẫn chưa thống nhất được cách tính lịch, hàng năm đến dịp lễ hội Ka tê, các chức sắc Chăm phải ngồi lại đàm phán để thống nhất lịch.
Các ngày trong tuần được quan niệm như sau:
- Adit // tôk mưh : Chủ nhật nhận vàng
- Thôm // pariak : Thứ hai // bạc
- Angar // bathay : Thứ ba // sắt
- But // tanưh bachah : Thứ tư // đất tốt, đất nẻ.
- Jip // drap mưng takai : Thứ năm // súc vật
- Suk // pacha : Thứ sáu // y phục
- Tha nưcha // padai : Thứ bảy // lúa thóc.
Ngày cưới phải vào các ngày chẵn (các số thuộc âm) 2, 4, 6, 8, 10, 12 và 14 chăm lịch và phải vào các ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm trong tuần. Trong 3 ngày trên, lễ cưới chính thức được tính là vào ngày thứ tư. Theo bảng tính ở trên thì thứ tư thuộc về đất nẻ, đất tốt dùng để trồng tỉa lúa, hoa màu. Lễ cưới được tổ chức vào thứ tư là để mưu cầu cho đôi vợ chồng sinh con đẻ cái đầy đàn. Ngoài ra, thứ tư còn là ngày giữa tuần, ngày âm - dương gặp nhau, được ví như lỗ rốn của con người (điểm giữa). Từ đầu tới rốn có ba phần: Đầu, cổ, ngực tượng trưng cho các ngày chủ nhật, thứ hai, thứ ba. Từ rốn xuống cũng có ba phần: bụng, háng, chân tượng trưng cho thứ năm, sáu, và thứ bảy. Ngoài ra, đối với người chồng, từ rốn trở lên được coi như thiên chức người cha, từ rốn trở xuống được coi là thiên chức của người chồng. Đối với người vợ cũng vậy, từ rốn trở lên là thiên chức người mẹ, từ rốn trở xuống là thiên chức người vợ. Việc quan niệm lấy thứ tư làm ngày cưới, lỗ rốn là trung điểm của hai vợ chồng còn thể hiện sự bình đẳng giữa hai vợ chồng. Qua những tư liệu trên, chúng tôi thấy những quan niệm của người Chăm thật nhất quán. Việc phân chia cơ thể con người của người Chăm Bàlamôn còn thể hiện rất nhiều trong các nghi lễ Chăm, ngay cả trong hệ thống nhạc cụ Chăm. Kèn Saranai được coi là đầu (thổi bằng miệng, là nhạc cụ thể hiện giai điệu chính, trống Paranưng được coi là bụng (do ôm vào bụng để vỗ), và trống Ghi năng được coi là đôi chân của cơ thể con người (do bắt chéo hai trống, ngồi xuống đất để gõ).
Về giờ khắc: Từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, người Chăm tính có 8 tuk (có thể hiểu là giờ tốt), mỗi tuk là 90 phút (một tiếng rưỡi). Ban đêm người Chăm chỉ tính từ 6 giờ tối đến 12 giờ nên chỉ có 4 tuk, từ 0 giờ đến 6 giờ sáng không được tính vì quan niệm rằng đây là thời gian âm dương giao hoà, muôn vật, muôn loài sinh sôi nảy nở. Giờ tiến hành làm lễ cưới phải được ông thầy xem giờ tốt (tuk noak) và phải từ buổi trưa đến buổi chiều (có nghĩa là lễ cưới phải vào thời gian thuộc âm).
Như vậy, cách tính giờ, ngày, tháng để làm lễ cưới của người Chăm Bàlamôn thể hiện tính “mẹ” rất rõ ràng. Đây là những biểu hiện của chế độ mẫu hệ bao trùm trong xã hội Chăm từ xa xưa còn lưu giữ được đến ngày nay.
Trang phục cô dâu (mưtơw kamay - mưtău kamei) là áo dài truyền thống Chăm, may bằng vải trắng. Tóc cô dâu búi cao và đeo nhiều đồ trang sức như vòng, lắc, hoa tai, nhẫn. Khác với trang phục lễ hội với những chiếc áo dài màu sắc sặc sỡ, lưng thắt hai dây thổ cẩm, một dây thắt ngang lưng và một dây đeo chéo vai, trang phục cưới chỉ là một chiếc áo dài trắng, thể hiện sự trong trắng của cô dâu. Chiếc áo cưới của phụ nữ Chăm rất đẹp, tiếc rằng ngày nay, nhiều cô dâu đi thuê áo cưới thời trang của người Việt.
Trang phục chú rể (mưtơw) là áo trắng truyền thống Chăm (gần giống như áo bà ba), bên ngoài khoác một chiếc áo mầu, thường là áo may bằng vải thổ cẩm Chăm rất đẹp, có hoa văn chìm và được đính kim tuyến, đầu quấn khăn Chăm, bên ngoài trùm một chiếc khăn thổ cẩm, mặc váy bằng cách quấn một tấm chăn (người Chăm gọi là mặc chăn). Chiếc áo khoác màu sẽ được cởi ra và trao cho cô dâu sau khi vào phòng the với ý là trao thân gởi phận cho cô dâu.
Ông chủ lễ (nưmư) mặc áo thổ cẩm màu, quấn chăn, đầu quấn khăn mầu có tua. Bà nưmư mặc đồ truyền thống Chăm, mặc váy và áo dài màu, tóc búi cao. Đây là trang phục đàn ông và phụ nữ Chăm thường mặc trong những buổi lễ trang trọng.
- Chủ lễ (chủ hôn: anư - amư)
Ông mai (on nhuh) là người nối sợi tơ hồng cho đôi trai gái, nhưng người đứng ra tổ chức lễ cưới (chủ hôn) là ông anư amư (cha mẹ đỡ đầu, đọc là nưmư, từ đây xin dùng từ nưmư). Ông nưmư phải là người có tuổi hợp với cô dâu chú rể, là người vai chú hay vai bác của cô dâu chú rể, phải là người “một cột, một kèo” (một vợ một chồng, không chắp vá), phải là người có gia tài, có sự nghiệp kha khá, là người nhiều con cái, dâu rể, cháu chắt, là người am hiểu phong tục tập quán Chăm. Ngoài ra, luật tục quy định, ông nưmư trong một năm chỉ được làm chủ hôn một lần vì mỗi cha mẹ một năm chỉ đẻ được một đứa con. Cũng có khi gia đình chọn được ông nưmư nhưng ông này lại không thuộc các bài khấn và vẽ bùa chú, gặp trường hợp này có thể mời một ông thầy cúng phụ giúp.
Khác với các dân tộc khác, vai trò chủ lễ cưới của người Chăm rất quan trọng. Trong lễ cưới Chăm Bàlamôn, không được xuất hiện các chức sắc pà xế Bàlamôn. Nếu các chức sắc tôn giáo là bà con họ hàng, khi đến dự lễ cưới phải thay đổi trang phục và không tham gia gì vào các nghi lễ. Chi tiết này khác biệt với lễ cưới người Chăm Bàni và Chăm Islam, các chức sắc tôn giáo đóng vai trò quan trọng. Trong tôn giáo Bàlamôn, các vị chức sắc pà xế chỉ có nhiệm vụ làm nghi lễ tang ma và các nghi lễ cúng thần linh trên tháp. Vì vậy, các thầy pà xế không được hiện diện trong lễ cưới cũng như trong hệ thống lễ hội RiJa. Sự khác biệt này do quan niệm về sống chết của người Chăm Bàlamôn ảnh hưởng tới.
- Lễ vật
Những lễ vật chuẩn bị để sử dụng trong lễ cưới gồm có: Trầu cau, rượu; Chiếu tục Chăm (chieu bang); Khay trầu cổ (duơr hala); 4 cây đèn nến làm bằng sáp ong (Tapơng dien); Gỗ trầm hương (Gihlau); Dầu dừa (Mư nhưk liu); 2 Chiếu (cieu) trải giường phòng the, 2 chiếc gối; Các loại bánh: Bánh sakaya, bánh paynung, bánh ngọt v.v... Trong lễ cưới, ông nưmư phải cúng mời các vị thần sau: 4 vị thần linh thuộc Bàni giáo gồm: Ppo li, Ppo Phua mưh, Ppo Than, Ppo Thai; Các vị thần chung cho người Chăm cả hai tôn giáo gồm: Thần trời, thần cha Ppo yang A mư; Thần mẹ xứ sở Ppo I Nưgar; Ppo Păn; Thần ông bà tổ tiên (Ppo muk, ppo kei, ppo praok, ppo patra, ppo patri); Thần làng xóm (Ppo gi nuơr palei); Các cận thần phụ tá các thần linh (Ppo gi nuơr rang, kaok rang); Thần thổ địa (Ppo ta nưh poriya).
Các món ăn trong đám cưới thường là thịt gà, vịt, cá, bún, súp, bánh mì, ca ri, các loại rau xào v.v…đặc biệt là phải có cá đuối vì người Chăm quan niệm cá đuối là loại cá đẻ ra con, với ý niệm là đôi vợ chồng trẻ sẽ mau mắn đẻ con, ngoài ra cá đuối còn tượng trưng cho ánh sáng. Phong tục xưa quy định trong lễ cưới phải có một ngày (ngày đầu tiên) chỉ ăn toàn cá đuối. Đồ uống có rượu, nước ngọt, nước chè. Ngày nay, các món trong bữa tiệc mặn ngày càng phong phú, đa dạng. Nhiều đám cưới đã dùng bia và các món ăn người Việt.
Cũng như người Việt, trong lễ tang không phải mời, ai đến thì đến. Nhưng lễ cưới, chủ nhà mời nhiều loại khách: khách nội tộc, họ hàng, khách của ông bà cha mẹ, khách của cô dâu chú rể. Lễ cưới của người Chăm xưa tổ chức ăn uống trong 2 ngày (thứ tư và thứ năm), khách mời cũng được chia ra theo những ngày đó. Ngày nay, cũng còn nhiều lễ cưới tổ chức ăn uống cả 2 ngày, nhưng đa phần chỉ tổ chức ăn một buổi cho đỡ tốn kém.
Khác với trầu dùng trong các nghi lễ cúng thần linh và nghi lễ tang ma thường têm cuốn hình tròn, trầu để dùng trong nghi lễ cưới xin là trầu têm dẹt (hala dam ta ra). Lá trầu phải được xé làm đôi têm với cau, vôi theo hình dẹt.
(còn tiếp)
P.Q.A
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét